Trách nhiệm và yêu cầu của ngành Sư phạm mầm non
Những năm gần đây, sư phạm mầm non được xem là ngành “hot” trong xã hội. Ngành không chỉ có vai trò cần thiết mà còn đóng một vị trí quan trọng trong sự phát triển giáo dục, kinh tế.
Thể hiện ở số lượng các thí sinh đăng ký và theo học ngành sư phạm mầm non ngày càng tăng, đào tạo nghiệp vụ sư phạm được chú trọng và đổi mới thường xuyên, các trường mầm non công và tư mở ra ngày càng nhiều,… Đồng nghĩa với đó, vai trò và trách nhiệm của ngành sư phạm mầm non nói chung và các giáo viên mầm non nói riêng ngày càng cao. Vậy những trách nhiệm và yêu cầu cần thiết đối với ngành sư phạm mầm non là gì?
Trách nhiệm của ngành sư phạm mầm non
“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”. Đó là lứa tuổi mà các giáo viên mầm non tiếp xúc, dạy dỗ và chăm sóc trong suốt quãng đời làm nghề giáo của mình. Mỗi bậc dạy học có một trọng trách riêng. Đối với sư phạm mầm non là bậc học hình thành tư duy, đạo đức và nhân cách ban đầu cho trẻ. Có thể nói đây là bậc học nền tảng, hình thành nhận thức một con người hoàn toàn mới ở trẻ. Chính vì thế giai đoạn học tập và phát triển này của trẻ là vô cùng quan trọng.
Gắn với đó, nghề sư phạm mầm non không chỉ đơn thuần là các cô trông trẻ, hàng ngày chăm lo cho các bé từ bữa ăn đến giấc ngủ mà quan trọng hơn là các cô còn dạy bé cách làm người, cách vâng lời người lớn, biết gọi dạ bảo vâng, biết vẽ, biết múa hát, biết làm thơ,… Qua đó, thấy được trách nhiệm của ngành sư phạm mầm non vô cùng lớn trong việc nuôi dạy trẻ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, cho đất nước.
Những yêu cầu cần có của giáo viên mầm non
Điều trước tiên không thể thiếu ở giáo viên mầm non là tình yêu thương với trẻ, luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, thực sự là người mẹ hiền thứ hai của trẻ.
Kiên trì trong quá trình dạy trẻ, có lòng nhiệt tình và có sự đam mê nghề nghiệp. Nắm vững phương pháp giáo dục dành cho trẻ, phải tìm các giải pháp và sử dụng các biện pháp dạy trẻ sao cho phù hợp, sáng tạo và thường xuyên thay đổi các hình thức giảng dạy, tổ chức các chương trình, trò chơi cho trẻ để tránh sự nhàm chán.
Giáo viên sư phạm mầm non phải là người có kiến thức chuyên môn vững vàng, có sáng tạo trong lời dẫn dắt trẻ để gây hứng thú cho trẻ, thường xuyên nghiên cứu sưu tầm các bài thơ, bài hát, câu truyện, trò chơi phù hợp để lồng ghép tích hợp vào bài dạy. Đặc biệt, cần phải có các kĩ năng giảng dạy cho phù hợp với nhận thức, độ tuổi và sự phát triển của trẻ của các bé. Trẻ ở độ tuổi này không giống như các bé học cấp 1, cấp 2, trẻ nhận thức rất nhanh, nói một lần chúng sẽ hiểu và nhớ ngay. Tuy nhiên, để 1 thời gian ngắn sau trẻ sẽ quên ngay như chưa từng được học. Bởi vậy, các cô phải kiên trì giải thích, trau dồi cho đầu óc còn non nớt của các bé những điều dễ hiểu nhất, dạy bé các phương pháp tư duy, nhớ lâu, cách tưởng tượng phong phú,…
Có thể thấy, việc giảng dạy các kiến thức cũng như các kỹ năng cho trẻ mầm non không hề đơn giản, dễ dàng. Nó đòi hỏi ngoài những kĩ năng, kinh nghiệm thì còn cần có lòng nhiệt huyết yêu nghề và yêu trẻ.
Mỗi ngành, mỗi nghề đặt ra với người thực hiện cần phải có những yêu cầu, trách nhiệm với công việc. Tuy nhiên, sư phạm mầm non là một ngành đặc biệt, trách nhiệm không chỉ đơn thuần là hài lòng vừa ý, mà trách nhiệm gắn liền với sự phát triển toàn diện cả một thế hệ. Bởi vậy, yêu cầu của nghề cũng vô cùng khắt khe, nghiêm túc. Và vì thế, nghề xứng đáng là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, cần được tôn vinh và phát huy.