Những lý do bạn nên chọn Sư phạm Tiểu học
NỘI DUNG
SƯ PHẠM TIỂU HỌC
Sư phạm luôn là một trong những ngành nghề trân quý nhất. Trong đó, phải đặc biệt kể đến là Sư phạm Tiểu học và Sư phạm Mầm non. Đây là hai ngành vất vả nhất trong hệ thống giáo dục, chịu trách nhiệm cho giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ. Chính vì lẽ đó, để có thể đến được với nghề Sư phạm Tiểu học, cũng là một quá trình học tập rèn luyện lâu dài. Mà trước hết chính là đưa ra quyết định theo đuổi cái nghề giáo này cũng là một sự cân nhắc kỹ lưỡng, bởi không phải ai cũng có đủ sự nhẫn nại để dạy dỗ học sinh trong độ tuổi còn nhiều bất thường, còn nhiều thứ chưa tự nhận thức được. Sau đây là một số lý do để bạn quyết định có nên lựa chọn ngành Sư phạm Tiểu học hay không.
1. Sư phạm Tiểu học là nghề cao quý
Sự nghiệp giáo dục và học tập cũng như xây một căn nhà vậy. Muốn xây một căn nhà lớn, đứng vững trước bão giông, thì bước đặt nền móng là rất quan trọng. Sư phạm Tiểu học là giai đoạn đặt nền móng, từng viên đá, viên gạch tri thức được xây nên chính là vốn liếng cho học sinh trong quá trình học tập sau này.
Có thể nói giáo viên Tiểu học là những người hi sinh thầm lặng cho học sinh của mình, luôn mong muốn học sinh nên người, cũng chính vì thế mà biết bao thế hệ học sinh vẫn luôn nhớ về người thầy của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
2. Làm việc trong ngành Sư phạm Tiểu học là không ngừng học hỏi
Sống trong thời đại ngày nay, khi mà mỗi phút mỗi giây trôi qua là có thêm biết bao nhiêu tri thức mới. Là một người giáo viên, để học sinh của mình có thể học tập tốt nhất, thì cần không ngừng trau dồi học hỏi, tiếp thu cái mới.
3. Tâm hồn trẻ trung
Đối với môi trường giáo dục Tiểu học, các giáo viên luôn tiếp xúc với các học sinh nhỏ tuổi của mình, những tâm hồn trong trẻo, ngây thơ và hiếu động. Chính vì vậy có thể nói, mỗi ngày lên lớp là mỗi ngày sôi động, có buồn bực nhưng cũng không thiếu tiếng cười.
Những câu chuyện hồn nhiên, ngây ngô của tuổi học trò là những nét thú vị riêng mà chỉ những người trong nghề Sư phạm Tiểu học mới biết. Trong đời dạy học của mình, mỗi thầy cô giáo đều có bao nhiêu câu chuyện hồn nhiên, dễ thương về học trò của mình mà không bao giờ có thể quên.
Những gương mặt trẻ trung, những đôi mắt sáng, những câu nói hồn nhiên, những tiếng cười rộn rã, những cử chỉ nhí nhảnh, những trò tinh nghịch… của các em đã làm cho các thầy cô giáo cảm thấy trẻ trung theo, sống “hồn nhiên” vui vẻ hơn, “quên” đi tuổi tác của mình.
4. Sống mẫu mực
Với nhiều giáo viên, dạy học trò cũng như răn dạy chính bản thân học vậy. Nghề giáo luôn nhắc nhở các giáo viên phải sống mẫu mực, phải làm gương cho học sinh, không đánh mất bản thân mình, không chạy theo đồng tiền trước mắt.
5. Ngày hội của thầy cô
Mỗi năm vào dịp 20/11, các thầy cô giáo càng ấm lòng hơn trước sự tôn vinh của xã hội. Những đóa hoa tươi thắm, những lời chúc mừng, những tin nhắn… Và đặc biệt, những giai điệu thiết tha, sâu lắng từ những ca khúc “Bụi phấn”, “Người thầy”, “Bài học đầu tiên”… ngân vang trong ngày hiến chương và trong lòng mỗi thầy cô giáo. Trong không khí ngày hội của nghề, lòng người thầy rất vui, một niềm vui xôn xao khó tả. Mỗi dịp 20/11 về, niềm vui của người thầy như được nhân lên, còn nỗi buồn, niềm trăn trở thì vơi đi hoặc tan biến vào miền xa xôi, để họ tiếp tục gắn bó với nghề.
Và còn hơn thế nữa chính là tình yêu mà học trò nhỏ dành cho mình chính là động lực lớn nhất khiến các thầy cô ngày càng yêu, càng thiết tha hơn với cái nghiệp Sư phạm Tiểu học.
